Đoạn trích trên của nhà thơ Trần Đăng Khoa đã vẽ nên vẻ đẹp của Hà Nội - thủ đô ngàn năm văn hiến. Trước tiên, tác giả đã nhắc đến các địa điểm quen thuộc và nổi tiếng Hà Nội như Hồ Gươm, ngọn Tháp Bút, Ba Đình, chùa Một Cột, phủ Tây Hồ,... Mỗi địa điểm mang một vẻ đẹp riêng mê đắm lòng người. Mỗi địa điểm lại mang một nét gì đó rất Hà Nội, vừa cổ kính, vừa trang nghiêm lại vừa mới mẻ. Nhà thơ không dùng những từ ngữ quá mĩ miều, léo lắt mà vẫn khơi gợi được bao xúc cảm của em với Hà Nội. Với những ai chưa từng đến Hà Nội, đoạn trích trên sẽ giúp người đọc hình dung cụ thể về Hà Nội. Để viết được những dòng thơ ấy, Trần Đăng Khoa phải có sự gắn bó, hiểu biết và tình yêu sâu sắc với Hà Nội. Em yêu biết bao mảnh đất Hà Nội!
Nhà xưa, ngõ phố Hà Nội với góc ảnh lắng đọng
Cụ ông quét lá buổi sớm. Một hình ảnh quen thuộc ở khu vực phố Phạm Đình Hổ, Hàng Chuối, Lò Đúc... - Ảnh: YẾN TRINH
Lò Đúc và Hàng Chuối là hai con phố gần như song song, giao với Phạm Đình Hổ và Hàn Thuyên như ô cờ. Ở khu này, nhiều căn biệt thự cũ là nơi sinh sống của nhiều hộ gia đình từ cách đây hơn nửa thế kỷ. Sáng sớm, bạn sẽ nghe chim hót líu lo "chữa lành" nơi những mảng sân chung in bóng cây, tiếng hàng xóm hỏi thăm nhau, trẻ con sửa soạn đi học…
Góc phố Hàng Chuối giao Phạm Đình Hổ sáng sớm thật yên tĩnh - Ảnh: YẾN TRINH
Phố Hàng Chuối yên tĩnh, ít hàng quán hơn so với phố Lò Đúc, dù chỉ cách nhau vài trăm mét. Một cô bạn làm việc ở khu này 3 năm nay, nói rằng ở đây có những nét khác với khu bờ hồ, phố cổ, hoặc khu gần các trường đại học. Nhịp sống sinh hoạt dường như chậm rãi, xe cộ đi lại cũng không khiến ta chóng mặt như nơi trung tâm Hà Nội.
Cô hàng rau bày bán trước ngôi nhà số 70 Lò Đúc (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) nhuốm màu thời gian - Ảnh: YẾN TRINH
Cô hàng rau bày trước ngôi nhà số 70 Lò Đúc, nói rằng du khách qua đây thường dừng chụp ảnh. Đó là những mảng tường nhuốm màu thời gian, còn chút phớt vàng, cùng hình ảnh mua bán sinh động.
Dọc con phố, bạn không khó để tìm thấy những ngôi nhà như vậy. Mặt tiền cũng có, trong ngõ cũng có. Bạn cứ đi một cách ngẫu hứng. Vỉa hè thoáng nên cũng không ngại. Gặp các cụ già U80, U90, như bà Mỹ ở ngõ Hàng Chuối 2, bạn chào và các cụ thường vui vẻ kể mình sống đây "lâu lắm rồi, yên tĩnh lắm", "cháu về mạnh khỏe nhé".
Những ngôi nhà trên phố Lò Đúc (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) mang nét xưa cũ với chi tiết ban công, hoa văn, khung cửa... Vỉa hè thoáng và nhiều cây xanh - Ảnh: YẾN TRINH
Tinh thần cũ mới đan xen là nét thú vị của nơi này. Xen kẽ những tiệm làm móng, shop quần áo trẻ trung, bạn cũng sẽ thấy nhiều hàng ăn, quán cà phê, tiệm đóng giày, tiệm báo cũ, tạp hóa như thời tuổi thơ 8X với gói xí muội 2.000 đồng, 2 trái chuối 5.000 đồng.
Chúng tôi dạo qua phố Lò Đúc nhiều lần trong ba ngày lưu trú khu này. Tôi đi bộ khám phá, chụp ảnh, trò chuyện với người địa phương, tạt vào hàng quán ăn uống… Đa số mọi người vui tính, có nét kín đáo rất Hà Nội.
Buổi chiều, ngõ phố Hàng Chuối còn có những bác, những chú cởi trần vắt khăn trên vai, các cặp đôi quần lửng chạy Dream, Cub tà tà mua đồ ăn. Nơi góc phố thoáng đãng còn có 4 - 5 người ngồi bệt, bàn luận đi nước cờ nào một cách say sưa.
Quá nhiều món ăn, đi chơi xong chắc mập thêm vài kg
Hàng quán san sát trên phố Lò Đúc. Dạo bộ một chút là thoải mái lựa chọn ăn uống - Ảnh: YẾN TRINH
Cùng với những ngõ ngách, nhà xưa, tìm hiểu nếp sống Hà Nội địa phương, dĩ nhiên đi du lịch ta phải ăn uống thả cửa.
Buổi chiều đầu tiên, chúng tôi lượn qua "bún chả Obama". Đông khách, nhiều khách nước ngoài, mỗi phần 50.000 - 60.000 đồng. Khách vừa ăn vừa hòa vào không khí rôm rả.
Bữa sáng là bún riêu cua phố Hàng Chuối, có bún riêu giò, cua bò giò, thêm tóp mỡ… giá từ 45.000 đồng/tô.
Đừng quên quán trà đá, 3.000 đồng một ly ngồi hàn huyên. Các hàng này thường có kẹo lạc, đôi khi có nước mơ, nước sấu... - Ảnh: YẾN TRINH
Chúng tôi không quên quẹo vào hàng trà đá vỉa hè, một đặc trưng của Hà Nội. "Trà đá, nhân trần, lá vối. Dùng trà mạn hay trà tươi?", cô hàng hỏi. Mỗi ly 3.000 đồng được bưng ra để trên chiếc ghế nhựa nhỏ. Ngoài ra còn có kẹo lạc, bim bim, cả điếu cày thuốc lào to sụ treo nơi bờ tường.
Những bữa tiếp theo, nào là bún dọc mùng 40.000 đồng/tô, phở gà, phở bò… Nhiều hàng quán với nào là miến lươn, miến ngan, cơm rang, bún ốc, bún sườn, lẩu ếch, bánh tôm, bánh gối, quẩy, kính thưa các loại xôi như xôi chim, xôi cá rô đồng. Có lúc không biết chọn ăn món gì.
Bánh gối, bánh tôm trên phố Lò Đúc. "Tổng thiệt hại" nhẹ hều là 25.000 đồng. Ngoài ra còn có quẩy nóng, chè đậu đen bột lọc. Ăn gì kêu nấy, không cần phải theo phần - Ảnh: YẾN TRINH
Ăn vặt, phố này có chè đậu đen bột lọc 12.000 đồng/ly, chè bưởi 20.000 đồng/ly, các loại chè đậu, chè kho, cốm xào, bánh da lợn chín tầng mây… Các cô hàng rong xởi lởi chào mời trái cây, bỏng ngô, ngô luộc.
Từ phố này, bạn cũng có thể đặt xe công nghệ lên khu phố cổ, bờ hồ… cách hơn 2km. Đêm về, bạn tạt vào bờ hồ ăn que kem, ghé mua con mực nướng sẵn, lon bia Hà Nội nhâm nhi rồi ngủ một giấc là trọn vẹn cho chuyến đi .
- Chỗ lưu trú: Homestay Chez Van, 2 ngõ Hàng Chuối 2 (giá từ 400.000 đồng/đêm, phong cách biệt thự xưa); Hotel A25, 185 Lò Đúc…
- Bún riêu cua 31 Hàng Chuối; Bún dọc mùng 27 Phạm Đình Hổ; Bún chả Hương Liên (Bún chả Obama 24 Lê Văn Hưu); Phở gà Cô Béo (32 Hàn Thuyên), Chè 21a Lò Đúc, Bánh tôm 23 Lò Đúc…